Tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19

21/05/2021 11:59

1. TỔNG QUAN CHUNG VỀ DỊCH COVID-19 

Đại dịch Covid-19 còn được gọi là dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona hay dịch virus corona Vũ Hán, là một đại dịch truyền nhiễm gây ra bởi virus SARS-CoV-2. Dịch bắt đầu bùng phát từ tháng 12 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc sau đó lây lan ra  nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dịch bệnh được xác định khi một nhóm người bị viêm phổi không rõ nguyên nhân, đã tiếp xúc chủ yếu với những người buôn bán làm việc tại chợ bán buôn hải sản Hoa Nam, nơi bán động vật sống và được cho là địa điểm bùng phát dịch bệnh đầu tiên. Các nhà khoa học Trung Quốc sau đó đã phân lập được một loại coronavirus mới, được WHO lúc đó tạm thời gọi là 2019-nCoV, có trình tự gen giống ít nhất 79,5% với SARS-CoV trước đây.

Sự lây nhiễm từ người sang người đã được xác nhận cùng với tỉ lệ bùng phát dịch tăng nhanh vào giữa tháng 1 năm 2020. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 14 ngày, đã có bằng chứng rằng bệnh có thể truyền nhiễm trong khoảng thời gian này và trong vài ngày sau khi hồi phục. Triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm: sốt, ho và khó thở, có thể gây thiệt mạng trong trường hợp nghiêm trọng.

Ngày 11 tháng 2 năm 2020, Ủy ban quốc tế về phân loại virus đã đặt tên chính thức cho chủng virus corona mới này là SARS CoV-2.

Ngày 11 tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

2. DIỄN BIẾN CỦA DỊCH COVID-19 TRÊN THẾ GIỚI

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến ngày 21/5, tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 165.870.779 ca, trong đó có 3.445.325 người tử vong.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 139.749.237 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 17.913.322 ca và 105.204 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 12/5, thế giới có tới 115 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, hiện nay tâm dịch COVID-19 đang chuyển về châu Á, với điểm nóng nhất là Ấn Độ, nước đã ghi nhận trên 23,7 triệu ca nhiễm, trong đó có trên 258.300 ca tử vong.

Tại Đông Bắc Á, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo số bệnh nhân có triệu chứng bệnh nghiêm trọng do mắc COVID-19 đã tăng hơn gấp 3 lần trong tháng qua. Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 6 tỉnh, thành gồm thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây, gồm Osaka, Kyoto và Hyogo cùng với Aichi và Fukuoka. Tình trạng khẩn cấp lần này sẽ có hiệu lực tới ngày 31/5.

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét dự thảo thay đổi cách thức giãn cách xã hội sẽ áp dụng vào tháng 7 tới, theo đó sẽ điều chỉnh một cách linh hoạt các biện pháp hạn chế kinh doanh, giới hạn số người khi tụ tập riêng nếu số ca nhiễm mới duy trì ở ngưỡng dưới 500 ca/ngày.

Tại châu Âu, Pháp vẫn đứng đầu với hơn 5,8 triệu ca nhiễm, tiếp theo là Nga với hơn 4,9 triệu ca trong khi các nước Anh, Italy đều đã có hơn 4,1 triệu ca. Xét về số ca tử vong, Anh ghi nhận nhiều nhất (127.640 ca) tiếp đến là Italy với 123.282 ca và Nga với 114.331 ca.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại châu Âu đang có xu hướng đỡ căng thẳng hơn, Bỉ thông báo sẽ cho phép các cơ sở ăn uống và vui chơi trong nhà, có lượng khách lên tới 200 người mở cửa trở lại kể từ ngày 9/6 tới, thời điểm chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đạt kết quả nhất định.

Hà Lan cũng dự kiến nới lỏng các biện pháp hạn chế để chống dịch kể từ tuần sau. Theo Thủ tướng Mark Rutte, các phòng tập gym, bể bơi và công viên giải trí sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 19/5, trong khi các quán cà phê và nhà hàng có chỗ ngoài trời, vốn đã hoạt động trở lại từ tuần trước, sẽ được phép kéo dài thời gian mở cửa.

Trong một diễn biến khác, nội các Đức ngày 12/5 đã thông qua kế hoạch cho phép những người đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, người đã khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 hoặc người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 khi nhập cảnh nước này không phải thực hiện cách ly. Việc nới lỏng quy định cách ly chỉ áp dụng với những người tiêm một trong những loại vaccine được Liên minh châu Âu (EU) cấp phép sử dụng gồm Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson.

Cùng ngày, Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Tổng thống Emmanuel Macron về việc áp dụng “thẻ thông hành y tế” đối với  những người được chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, những người gần đây xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, hoặc người đã bình phục sau khi mắc COVID-19. Những người có "thẻ thông hành y tế" sẽ được phép tham gia các sự kiện thể thao hoặc các sự kiện tập trung đông người, nhưng không được phép vào nhà hàng, cửa hiệu hoặc rạp chiếu phim.

Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận 38.999.218 ca nhiễm và khu vực Nam Mỹ có 26.252.017 triệu ca. Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm (hơn 33,55 triệu ca) và tử vong (597.719 ca). Brazil đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong với 428.034  ca, nhiều gấp đôi Ấn Độ, nhưng số ca nhiễm chỉ bằng 2/3 của Ấn Độ, ở mức hơn 15,2 triệu ca. Colombia và Argentina đều đã ghi nhận hơn 3 triệu ca nhiễm. Mexico đã có 2,3 triệu ca trong khi Canada, Peru và Chile đều có hơn 1 triệu ca.

Khu vực châu Phi hiện ít bị ảnh hưởng hơn so với các nơi khác, song tình hình được cảnh báo sẽ có thể xấu đi vì thiếu vaccine ngừa COVID-19. Đến nay châu lục này ghi nhận tổng cộng hơn 4,6 triệu ca nhiễm. Trong đó, riêng Nam Phi đã có 1,599.272 ca nhiễm. Tiếp đến là Maroc với trên 500.000 ca.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 10/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 16.983 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 72.000 người.

Dù Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ASEAN, song tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” đã bớt căng thẳng hơn so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong vẫn trên 90 trường hợp.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức cao với 39 trường hợp không qua khỏi.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 12/5 ghi nhận thêm 1.983 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong tăng mạnh lên 34 người.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 472 bệnh nhân mới trong ngày 12/5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 72.000 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 325 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.622.699 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.308.366 trường hợp.

3. DIỄN BIẾN CỦA DỊCH COVID-19 Ở VIỆT NAM

Đại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra có trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 1 năm 2020. Việc cách ly, theo dõi và hạn chế người từ vùng dịch, đóng cửa biên giới, triển khai việc khai báo y tế đã diễn ra. Các hoạt động "tập trung đông người", đi lại, buôn bán tại các địa phương bị hạn chế. Một số nơi thực hiện đo thân nhiệt, trang bị chất sát khuẩn, phát khẩu trang miễn phí và siết chặt kiểm soát. 

Tính đến ngày 21/5/2021, ở Việt Nam đã có tổng cộng 4.838 ca nhiễm, trong đó có tử vong 40 ca, 2.105 ca đang trong quá trình điều trị và 2.689 ca đã khỏi.

Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

(Tham khảo tại https://moh.gov.vn/web/dich-benh/cac-van-ban-chi-dao-cua-dang-nha-nuoc)

Tính đến 16 giờ ngày 20/5/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với 1.021.085 liều cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 28.821 người.

Truy cập vào địa chỉ https://ncov.moh.gov.vn/ để có cập nhật những diễn biến mới nhất về tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới.

5 điểm cần làm tốt để phòng chống dịch Covid-19 (Nguồn: Bộ Y Tế)

4. CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19 CỦA VIỆN ĐỊA LÝ

Thực hiện Công văn số 776/VHL-VP ngày 06/5/2021 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về việc thực hiện báo cáo định kỳ công tác phòng, chống bệnh dịch Covid-19 và Công văn số 797/VHL-VP ngày 11/5/2021 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về việc đẩy mạnh khai báo y tế điện tử phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 bằng mã QR, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Viện Địa lý đã được thực hiện như sau:

- Triển khai thực hiện kiểm soát việc ra/vào của khách đến liên hệ công tác  hàng ngày thông qua mã QR;

- Quán triệt, tuyên truyền tới toàn thể viên chức và người lao động của đơn vị nâng cao nhận thức, chủ động khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chủ động khai báo y tế sau kỳ nghỉ Lễ, thực hiện nghiêm thông điệp 5K trong phòng, chống đại dịch.

- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc theo dõi và báo cáo tình hình sức khỏe của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động định kỳ vào thứ 5 hàng tuần;

- Để bình sát khuẩn tại cửa ra vào và trong thang máy tại trụ sở A27, 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội;

5. BIỆN PHÁP CÁ NHÂN PHÒNG NGỪA COVID-19

Mỗi cá nhân có thể tự bảo vệ mình thông qua các biện pháp dưới đây: 

– Duy trì khoảng cách giao tiếp từ 1-2 mét, đặc biệt là những người đang ho, hắt hơi và bị sốt. 

– Luôn đeo khẩu trang đúng cách khi đi ra khỏi nhà.

– Tránh đưa tay lên mắt, mũi và miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo.

– Rửa tay thường xuyên bằng dung dịch rửa tay có cồn hoặc với xà phòng và nước. 

– Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, bảo đảm chế độ ăn uống cân bằng, ngủ đủ giấc và thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh cúm thông thường 

– Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.

– Nếu có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho trạm y tế phường nơi mình sinh sống để được tư vấn khám và điều trị.

– Nếu bạn đi từ vùng có dịch bệnh trở về cần tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ.

– Cài đặt ứng dụng Bluezone để cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình tai địa chỉ https://bluezone.gov.vn/

Nguồn: Tổng hợp

Liên kết website khác